Lượt xem: 591

Sóc Trăng triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực xuất khẩu gạo

Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm đang cho thấy rất nhiều tín hiệu lạc quan khi tăng hơn 19% về lượng và 30% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Nhận định từ nhiều chuyên gia cũng cho thấy, xuất khẩu gạo nước ta trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ đạt đến 7 triệu tấn, trong đó có khoảng 3 triệu tấn gạo chất lượng cao. Trước nhu cầu tiêu dùng cao ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, tỉnh Sóc Trăng hiện vẫn đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng lúa gạo. Đồng thời, tăng cường liên kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp nhằm cạnh tranh cơ hội xuất khẩu với các tỉnh, thành phố trong khu vực.

 


Diện tích canh tác các giống lúa thơm, lúa đặc sản tại Sóc Trăng không ngừng phát triển.  

 

    Trung bình mỗi năm, Sóc Trăng sản xuất hơn 2 triệu tấn lúa. Với diện tích canh tác mỗi năm trên 320.000 ha, dư địa để phát triển các dòng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao tại tỉnh là rất lớn. Từ lợi thế này, việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xác định là nhiệm vụ hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực lúa gạo. Nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, đến nay, diện tích canh tác lúa thơm, lúa đặc sản các loại của tỉnh đã chiếm gần 90% tổng diện tích gieo trồng. Chuyển từ giống lúa phẩm cấp thấp sang các giống chất lượng cao trở thành nhu cầu cấp thiết của nhiều nông dân với mong muốn cải thiện năng suất và lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích, bởi các giống này luôn có giá bán cao hơn gần 1.000 đồng/kg. Điều quan trọng là khâu bao tiêu đầu ra cho hạt lúa cơ bản được đảm bảo. Thực tế cũng cho thấy, tại Sóc Trăng, sản lượng lúa đặc sản, lúa thơm các loại phục vụ cho xuất khẩu hiện đã đạt trên 1,1 triệu tấn. Ông Hồ Thanh Liêm – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hưng Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Hiện tại, 100% diện tích của hợp tác xã được bà con chuyển hẳn sang canh tác giống lúa thơm ST25. Năng suất lúa từ bằng đến cao hơn so với các giống đối chứng như OM18 hay Đài thơm 8. Qua hai vụ canh tác thấy rõ là chi phí đầu vào rất thấp vì không có dịch bệnh so với các giống khác. Lợi nhuận tăng hơn khoảng từ 400.000 – 500.000 đồng/công”.

    Cùng với đó, địa phương sở hữu giống gạo ngon nhất thế giới cũng đã tập trung đẩy mạnh nhiều chương trình, dự án khác, như: Phát triển cánh đồng lớn, cánh đồng canh tác một loại giống hay tích cực chuyển giao kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”... Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 243 cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 52.000 ha, trong đó hầu hết là các giống đặc sản ST và bản địa được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP... Bên cạnh cải thiện chất lượng lúa gạo, áp dụng cơ giới hóa đồng ruộng ở tất cả các khâu cũng là bước tiến quan trọng của tỉnh Sóc Trăng khi tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất hiện đạt 98%, khâu chăm sóc là 85% và thu hoạch là 98%. Nhờ vậy, bà con nông dân giảm được tối đa chi phí đầu tư, lợi nhuận mỗi vụ tăng hơn 2 triệu đồng/ha. Khát vọng được khẳng định thương hiệu gạo Sóc Trăng đã thúc đẩy nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác tính đến việc đầu tư sản xuất gạo thay vì chỉ giới hạn trong khâu gieo trồng lúa. Ông Nguyễn Văn Út - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vinh Lợi, huyện Thạnh Trị, chia sẻ: “Hiện Hợp tác xã cũng đã xây dựng thành công sản phẩm Gạo OCOP ST25. Định hướng của Hợp tác xã là muốn bà con mình có trách nhiệm hơn trong sản xuất. Nếu lúc trước mình chỉ cần làm ra hạt lúa và bán thương phẩm thôi, thì bây giờ phải nâng cao hơn, mình phải làm và chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình, nghĩa là từ làm lúa đơn thuần mình còn phải chịu trách nhiệm khi người dân họ sử dụng sản phẩm gạo từ cây lúa mà mình làm ra. Điều này không chỉ nâng cao vị thế của người nông dân mà còn khẳng định được chất lượng cho thương hiệu lúa gạo Sóc Trăng”.

    Với lợi thế danh hiệu gạo ngon nhất thế giới, Sóc Trăng đặt mục tiêu phát triển thương hiệu, nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo đặc sản, tập trung vào các giống lúa nhóm ST như ST24, ST25, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ phát triển được 195.000 ha lúa đặc sản. Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác để đa dạng hình thức liên kết từ đầu vào đến đầu ra cũng là vấn đề quan trọng được tỉnh rất quan tâm nhằm hình thành vùng nguyên liệu ổn định phục vụ nhu cầu chế biến, xuất khẩu. Trong đó, vai trò cầu nối của các tổ chức kinh tế tập thể cần được phát huy tối đa nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa từ các bên có liên quan. Đồng chí Vương Quốc Nam – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Khi chúng ta đã thực hiện thành công việc nâng cao chất lượng lúa thì cần thiết phải có doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ. Nông dân thì thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác để tổ chức sản xuất, đảm bảo sự đồng nhất giữa các thành viên về quy trình kỹ thuật và những tiêu chuẩn mà đối tác cần để hạt lúa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Nếu sản xuất hàng hóa nhiều thì các doanh nghiệp không thể nào đi thu mua ở từng hộ dân được, mà phải thông qua các tổ chức liên kết, ưu việt nhất là hợp tác xã, tổ hợp tác. Do đó tại tỉnh Sóc Trăng, chính quyền các cấp hiện cũng rất quan tâm, đẩy mạnh việc phát triển loại hình kinh tế hợp tác trong lĩnh vực sản xuất lúa. Và để chuỗi liên kết này đảm bảo không bị đứt gãy thì ngay từ ban đầu, giữa doanh nghiệp và hợp tác xã phải có những cam kết rõ ràng với nhau. Những nội dung, điều khoản trong hợp đồng phải được hợp tác xã phổ biến rộng rãi cho các thành viên. Để nông dân thấy rõ là khi thực hiện theo quy trình của doanh nghiệp thì họ sẽ được những lợi ích như thế nào cả về tài chính, môi trường sống và vấn đề phát triển thương hiệu. Có như thế thì bà con nông dân sẽ an tâm hơn trong quá trình sản xuất, chữ “tín” giữa hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia bao tiêu cũng sẽ được đảm bảo”.

    Đến nay, tỉnh Sóc trăng đã phát triển được 99 hợp tác xã trồng lúa, diện tích canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP là 266,25 ha, sản xuất theo hướng hữu cơ là 4.932 ha. Hiện có 131 lượt công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm với tổng diện tích trên 62.000 ha. Sự thay đổi trong tư duy canh tác của người trồng lúa cùng các giải pháp thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị ngành hàng đang được tỉnh triển khai một cách bài bản, sẽ là tiền đề quan trọng để sản phẩm gạo từ cây lúa được gieo trồng trên vùng đất Sóc Trăng tiếp cận được nhiều thị trường hơn, giúp nông dân tỉnh nhà thêm an tâm, gắn bó ổn định với ruộng đồng quê hương.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 46
  • Hôm nay: 8331
  • Trong tuần: 79,038
  • Tất cả: 11,802,358